Top 5 món ăn đặc sắc nhất Trung Quốc

Thảo luận trong 'Bằng cấp - Chứng chỉ' bắt đầu bởi chaucaphu, 13/3/19.

  1. chaucaphu
    Offline

    chaucaphu Expired VIP

    Ẩm thực Trung Quốc nổi tiếng với những món ăn truyền thống mang phong cách lạ và hương vị đậm đà khó nơi nào bằng, hôm nay chúng ta hãy cung tìm hiểu 5 món ăn nổi tiếng nhất Ẩm thực Trung Quốc nhé, hi vọng sẽ là những gợi ý hữu ích cho chuyến du lịch Trung Quốc của bạn.


    1. Vịt quay Bắc Kinh

    Từng là một món ngon của hoàng gia, vịt quay Bắc Kinh là một trong những món ăn Trung Quốc trứ danh dễ được thực khách toàn thế giới nhận biết. Công thức làm món vịt quay trứ danh dù được công bố rộng rãi nhưng không phải nơi đâu cũng cho ra món vịt quay chuẩn vị.

    Món ăn xuất phát từ hoàng gia vẫn giữ vẻ quý tộc khi đòi hỏi những công đoạn chuẩn bị công phu, tốn nhiều thời gian. Theo công thức truyền thống, những con vịt lông trắng sẽ được nuôi thả trong môi trường tự do khoảng 45 ngày. Sau đó chúng sẽ được cho ăn no trong khoảng 20 ngày.

    Tiếp đó khi đem đi làm sạch, người chế biến sẽ bơm không khí dưới da vịt để tách bỏ lớp mỡ béo. Sau đó, vịt sẽ được ướp gia vị đặc trưng và đem quay trên lò, từ đó da vịt đã thấm gia vị sau đó sẽ trở nên giòn tan khi cắn nhẹ trong khi phần thịt vẫn mọng nước, mềm và đầy hương vị.

    Cách ăn tinh tế của món ăn trứ danh này cũng giúp chúng ta cảm thấy thoả mãn trước vị ngon đậm đà của mọi nguyên liệu đem lại.


    2. Đậu phụ Tứ Xuyên

    Do có nguồn gốc từ Tứ Xuyên nên người ta hay gọi là đậu phụ Tứ Xuyên nhưng thật ra món ăn này có cái tên thú vị hơn nhiều, đó là đậu phụ Mapo. Mapo là cái tên được lấy theo người sáng lập ra món ăn. Chuyện kể rằng, vào thời nhà Thanh ở Trung Quốc có một cặp vợ chồng nọ mở quán bán thức ăn. Và một trong những món đặc sản của quán chính là đậu phụ sốt cay mà ai ghé quán cũng muốn một lần nếm thử.

    Lúc này, người vợ cũng là đầu bếp chính của nhà hàng nhưng không biết do nguyên nhân gì mà mặt bà có rất nhiều mụn rỗ nên mọi người quen gọi là Mapo ("ma" trong tiếng Trung có nghĩa là mụn rỗ, "po" có nghĩa là người đàn bà). Dần dần, cái tên mới này cũng gắn liền với món ăn mà bà làm ra, ai cũng quen gọi là đậu phụ Mapo và tương truyền cho đến ngày nay.

    Mặc dù được làm từ đậu phụ trắng nhưng do món ăn này kết hợp hài hòa các nguyên liệu khác như thịt băm và nhiều loại gia vị cay nồng nên không chỉ vô cùng hấp dẫn mà hương vị món ăn còn rất tinh tế. Đậu phụ mềm và có vị hơi beo béo kết hợp với vị ngọt của thịt, vị cay của ớt tiêu lại thêm vị chua, hăng của đậu tương khiến món đậu phụ Mapo rất dễ đi vào lòng người và làm hài lòng mọi thực khách mới nếm qua lần đầu tiên.


    3. Gà ăn mày

    “Gà ăn mày”, cái tên nghe lạ tai, lại là món ăn nổi tiếng của vùng Hàng Châu, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Tên gọi này xuất phát từ câu chuyện thú vị phía sau. Theo người xưa kể lại, một người ăn mày nọ trong lúc “đói ăn vụng, túng làm liều” đã trộm một con gà của người dân ven đường.


    Khi đang nhóm lửa sửa soạn, bất chợt gã thấy Hoàng thượng và các vị cận thần đang tới gần. Quá hoảng loạn, gã vội vàng bọc gà trong lá sen rồi đắp đất sét xung quanh, đoạn ném vào đống lửa. Chính từ sự vô tình này tạo nên món ăn dân dã mà độc đáo. Mùi hương thơm kỳ lạ bay ra khiến Hoàng Thượng rất ngạc nhiên. Sau này, món ăn còn được đưa vào thực đơn ở Hoàng cung.

    Món “gà ăn mày” của ngày nay vẫn gần như giữ nguyên các bước truyền thống trước kia, tuy nhiên được chế biến cầu kỳ hơn trước, đảm bảo hương vị của món ăn từng xuất hiện ở Hoàng cung. Chẳng thế mà sau khi nghe thấy danh tiếng, khách tới Hàng Châu đều muốn thưởng thức.

    “Gà ăn mày” mang hương vị thơm ngon tự nhiên, ướp cùng hương của lá sen, các vị thảo mộc và phần nhân béo ngậy. Từ món ăn được chế biến tình cờ bởi người ăn mày, đến nay, nó trở thành một trong những điều hấp dẫn trong ẩm thực Hàng Châu nói riêng, và Trung Hoa nói chung, được khách du lịch ưa chuộng.


    4. Phật nhảy tường

    Phật nhảy tường là món ăn ngon và rất nổi tiếng của người Phúc Kiến - Trung Quốc với lịch sử tồn tại hơn 200 năm dài.

    Có rất nhiều giai thoại về tên gọi của món "Phật nhảy tường", nhưng phổ biến nhất vẫn là giai thoại được lưu truyền như sau. Vào thời nhà Thanh, có một môn sinh đi du hành khắp nơi và ông thường dùng bình rượu chứa đựng các nguyên liệu dành cho mỗi bữa ăn. Mỗi khi đói bụng, ông thường đun tất cả các nguyên liệu trong bình rượu và thưởng thức ngay tại chỗ.

    Một lần nọ đến Phúc Châu, Phúc Kiến - Trung Quốc, cảm thấy đói bụng nên theo thói quen thì môn sinh này cũng mang bình nguyên liệu ra đun. Vô tình thế nào mà nơi ông ngồi đun món ăn lại gần sát ngôi chùa và khi mùi thơm quyến rũ của món ăn này bay ra khiến các vị sư trong chùa không kiềm lòng được nên đành phải trèo tường nhìn ra bên ngoài xem mùi thơm này xuất phát từ đâu. Từ đó, cái tên "Phật nhảy tường" cũng xuất hiện kèm với món ăn này cho đến ngày nay.

    Để làm nên món "Phật nhảy tường", người Trung Quốc phải sử dụng đến 18 loại nguyên liệu thượng hạng như hải sâm, vi cá mập, bào ngư, nhân sâm, sò điệp... cùng các nguyên liệu khác như thịt gà, gân lợn, nấm, trứng...

    Ngoài các nguyên liệu cao cấp thì để làm nên hương vị độc đáo cho món ăn này, người đầu bếp còn sử dụng đến 12 loại gia vị khác nhau bởi nếu thiếu bất kỳ một hương vị nào thì món ăn sẽ mất ngon và mùi thơm kém đi hẳn.

    Sau đó, tất cả các nguyên liệu sẽ được cho vào một thố đất hầm nhừ cẩn thận với lửa nhỏ trong khoảng 5 - 6 giờ. Trong quá trình hầm, mùi thơm của món "Phật nhảy tường" bay ra vô cùng quyến rũ khó cưỡng lại.


    5. Đậu phụ thối

    Món đậu phụ thối ra đời trong một hoàn cảnh rất ngẫu nhiên, tức không ai cố tình chế biến ra món này cả. Tương truyền rằng món ăn này xuất hiện từ thời vua Khang Hy. Lúc này có một chàng thư sinh nghèo thi mấy lần không đỗ nên đành ở lại kinh thành bán đậu phụ kiếm sống qua ngày.

    Tuy nhiên, việc buôn bán thì ế ẩm, đậu phụ bị tồn đọng lại nhưng không thể đổ bỏ đi. Thế là anh chàng thư sinh này cắt nhỏ đậu phụ ra và cho vào các chum vại ướp muối. Vài ngày sau đó, đậu phụ bắt đầu lên men và có mùi rất khó ngửi nhưng khi anh này nếm thử thì lại thấy nó rất ngon. Từ đó, món đậu phụ thối của chàng thư sinh nghèo bắt đầu được lan truyền rộng rãi và nổi tiếng đến ngày nay.

    Rốt cuộc, đậu hũ thối mùi vị ra sao mà khiến người ta đắm đuối đến vậy? Đậu hũ thối không phải cao lương mĩ vị, nhưng có sức hút hơn nhiều món đặc sản cao cấp.

    Cơ chế tỏa mùi của món đậu hũ thối khá thú vị: càng xa, mùi càng nồng nặc, càng mùi mẫn, càng “nhạy cảm”, càng gợi hình, càng dữ dội, càng gây hấn. Càng gần lại càng thỏ thẻ hiền dịu. Đến khi gần gũi hẳn, đậu hũ thối dường như hoàn toàn trong veo mùi.

    Miếng đậu trước mặt bạn, cho dù ở thể rán hay thể lẩu, đều toát lên sự chân thật im lìm đến… đáng tin cậy. Nếm thử miếng đậu hũ thối rán, lớp vỏ đậu vàng ươm gợi mời, giòn đanh, dai nhẹ, đầy bền bỉ, mạnh sức sống, chứ không dai hờn dỗi hay ỉu xìu xìu. Xuyên qua lớp vỏ rán giòn là đến phần nhân đậu. Đậu lúc này không còn vị chua, cũng không quá vị ngậy, cứ dìu dịu đê mê, hòa quyện cùng chút ớt, chút nước chấm gừng, đưa đẩy rất kích thích vị giác.


    Ẩm thực Trung Hoa trải qua 5000 năm tồn tại và phát triển cùng lịch sử nên mang đậm sắc thái văn hóa, phong phú và chứa đựng nhiều ý nghĩa. Bên cạnh đó, ẩm thực Việt Nam cũng không kém cạnh dù có lịch sử khá ngắn, bạn có thể tìm hiểu Từ vựng tiếng Trung về những Món Ăn để quảng bá những món ăn Việt Nam cho người Trung Quốc.
     

Chia sẻ trang này

Thành viên đang xem bài viết (Users: 0, Guests: 0)